A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người tiên phong ứng dụng chế phẩm vi sinh vào canh tác

Là người tiên phong sử dụng chế phẩm vi sinh vào sản xuất nông nghiệp giúp mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, anh Trần Ngọc Phú (SN 1973), Giám đốc HTX Eabar EMI farm trở thành điển hình tại hội nghị “Ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Phú Yên” do Sở KH-CN tổ chức.

 

 

Anh Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTX Eabar EMI farm bên vườn sầu riêng 4 năm tuổi canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: CTV

 

 

Trước đây, anh Phú làm việc tại Nông trường cà phê Ea Bá, khi nông trường giải thể, anh cùng nhiều công nhân khác phải tìm hướng đi mới với lối canh tác hiệu quả. “Trong lúc loay hoay tìm những mô hình phù hợp, tôi tình cờ đọc được câu chuyện về một người đàn ông Nhật Bản quyết tâm trồng táo sạch vì vợ ông luôn mong muốn được thưởng thức những quả táo không có hóa chất. Tuy nhiên, khi bắt tay vào trồng, trong nhiều năm liền, cây không ra quả. Lúc tưởng đã thất bại thì anh phát hiện những cây táo sống trên núi không ai chăm bón lại không bị sâu bệnh, cho rất nhiều quả ngon. Từ đó, anh cải tạo khu vườn của mình gần với điều kiện tự nhiên trên núi và đã có mùa táo bội thu, vườn táo trở nên nổi tiếng, giá táo rất cao. Lấy cảm hứng từ câu chuyện này, tôi cũng mong muốn xây dựng được một khu vườn có các loại quả chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng. Từ năm 2017, tôi đã áp dụng làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học trên diện tích đất 5.000mcủa gia đình”, anh Phú chia sẻ.

 

Áp dụng kỹ thuật canh tác mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ sinh học vào cây trồng, ngoài nguồn vốn lớn, người nông dân cần có kiến thức về cây trồng cũng như hiểu biết về các chế phẩm sinh học. Mang ấp ủ triển khai mô hình nông nghiệp sạch, anh Phú đã lặn lội ra tận Hà Nội, gặp những giáo sư của Viện Công nghệ Sinh học để tìm hiểu thông tin và xin được hướng dẫn cách làm. Từ đây, anh Phú được làm quen với các chế phẩm vi sinh và học cách sử dụng các chế phẩm này thay thế cho phân thuốc hóa học giúp cây phát triển khỏe mạnh. Sau 4 năm sử dụng chế phẩm vi sinh để trồng cây theo hướng an toàn sinh học, hiện các loại cây trái trong vườn đều phát triển tốt. Hiệu quả từ việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong canh tác cây ăn quả tại vườn của anh Phú rất rõ ràng. Trong khi các nhà vườn khác bán chanh leo sang thị trường Trung Quốc giá 5.000 đồng/kg thì anh Phú được bán ra Hà Nội hay thị trường châu Âu với giá dao động từ 38.000-45.000 đồng/kg chanh leo, mà cung không đủ cầu.

 Nếu lợi nhuận cao, tại sao nhiều người dân không mặn mà với phương thức canh tác này mà vẫn giữ lối canh tác thông thường? Theo anh Phú, việc canh tác theo hướng an toàn sinh học cần sự tin tưởng và kiên trì để không thỏa hiệp với hóa chất và không chạy theo năng suất. Bởi, chế phẩm vi sinh là những vi sinh vật sống, đang hoạt động, nên nếu thấy cây chậm phát triển hay năng suất thấp mà chủ vườn đã nóng vội sử dụng các chất hóa học thì chế phẩm vi sinh sẽ ngay lập tức mất tác dụng. Bên cạnh đó, đầu tư ban đầu của mô hình canh tác an toàn sinh học cũng lớn hơn. Cụ thể, nếu chi phí sản xuất cho 1ha chanh leo thông thường khoảng 120 triệu đồng thì đầu tư theo hướng hữu cơ phải 220 triệu đồng. Bù lại, khi vườn đã phát triển ổn định, các chi phí sẽ giảm, vườn cho sản phẩm chất lượng cao nên giá bán cao, hiệu quả kinh tế mang lại phải gấp 10 lần so với canh tác thông thường và bản thân người nông dân không phải hứng chịu tác động độc hại của hóa chất. 

Là một hộ dân thực hiện mô hình canh tác sầu riêng sử dụng chế phẩm vi sinh để trừ sâu bệnh và ủ phân bón cho cây, chị Nguyễn Thị Minh Phương (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) cho biết: “Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình tôi bước vào năm thứ tư. Thời gian qua, trên địa bàn Sông Hinh mưa nhiều, thời tiết bất lợi nên sầu riêng bệnh thối thân, xì mủ. Riêng vườn sầu riêng gia đình tôi dùng bẫy sinh học để bẫy những thiên địch gây hại cây trồng thay cho phun thuốc hóa học; ủ phân bò và lá cây để bón gốc cho cây... nên những bệnh này giảm hẳn, cây khỏe, lá xanh, dày, nhìn vào ai cũng khen…”.

 

Anh Trần Ngọc Phú, một trong những nông dân ở Sông Hinh tiên phong sử dụng các chế phẩm vi sinh và đã hướng dẫn cho khoảng 20 hộ dân kiên trì thực hiện mô hình này. 

Bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, nhận xét: “Anh Trần Ngọc Phú là một trong những nông dân tiên phong sử dụng các chế phẩm vi sinh vào canh tác cây ăn trái và đã cho thấy những hiệu quả vượt trội. Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã sản xuất thành công chế phẩm vi sinh PYMIC phục vụ sản xuất nên người dân có nhu cầu về canh tác hữu cơ cũng như ứng dụng các chế phẩm vi sinh để thay thế các sản phẩm hóa học có thể liên hệ trực tiếp với trung tâm để được hướng dẫn”.

 

Theo THÁI HÀ

(Baophuyen.vn)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức - Sự kiện
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
website hoạt động có ổn định
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 17